Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Trung Quốc: Thêm một quan chức cấp cao 'ngã ngựa' vì tham nhũng

Một cựu Thứ trưởng ngành Thể thao của Trung Quốc (người từng có mặt trong Ủy ban Olympics của nước này) sẽ bị khởi tố vì cáo buộc tham nhũng sau một cuộc điều tra cho thấy ông này lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ - Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc hôm 24/9 cho hay.

Tiêu Thiên, người từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc, đã bị khai trừ Đảng vì tham nhũng và nhận hối lộ. Nguồn: Euronews.

Các vụ tham nhũng liên quan đến thể thao quốc tế đang trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra, kể từ sau khi Mỹ và Thụy Sỹ vạch trần bê bối tham nhũng của FIFA. Hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã giành quyền tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2022.

Trung Quốc hiện đang thực hiện chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào các tham quan nằm trong đội ngũ quan chức của nước này, và trong chiến dịch này cũng bao gồm việc truy quét các tham quan thuộc ngành thể thao, đặc biệt là trong bóng đá - môn thể thao vua .

Tiêu Thiên, người từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc (chức vụ tương đương Thứ trưởng) đã lạm dụng quyền lực để thúc đẩy sự thăng tiến cho người vợ của mình, nhận các khoản hối lộ, dùng tiền của Nhà nước vào việc tiệc tùng tốn kém và từng yêu cầu nhiều công ty tư nhân thu xếp cho mình đi chơi golf - Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết.

Ngoài ra, ông Tiêu còn hưởng lợi từ việc thông qua một số giải đấu, trận đấu và từ các hoạt động khác trong ngành công nghiệp thể thao. Vị quan chức này cũng từng tìm cách can thiệp vào các cuộc điều tra về chính ông, chi tiền để đổi lấy “sự im lặng”. Ông Tiêu hiện đã bị khai trừ Đảng và trường hợp của ông đã được chuyển sang cơ quan pháp lý để tiến hành thủ tục truy tố.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình triển khai chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2012, khi ông lên nắm quyền. Trung Quốc còn tìm cách truy bắt nghi phạm đã tháo chạy ra nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và Canada. Hồi tuần trước, Trung Quốc cũng hoan nghênh Mỹ sau khi nước này trục xuất một quan chức bị cáo buộc tham nhũng của Trung Quốc về nước.    

Duy Long

(Đại Đoàn Kết)

Vũ Thư Hiên - Thân phận trí thức trong xã hội Cộng Sản (Đọc "Tùy Tưởng Lục" của Ba Kim)

Thường khi gặp được một cuốn sách hay là tôi phải đọc một lèo. Có khi thức trắng đêm đọc cho bằng xong. Chưa xong thì trong người cứ anh ách, ngủ không yên. Lâu ngày thành cái tật, sửa không được.

Thu Hien Vu
Nhà văn Vũ Thư Hiên
Cuốn Tuỳ Tưởng Lục tôi đang có trong tay là của một bạn văn trong nước gửi cho. Thỉnh thoảng anh vẫn gửi cho tôi một thứ gì đó, đại loại như trà Tân Cương, cốm Vòng, hoặc tinh dầu cà cuống thứ thiệt, kèm theo một lời nhắn. Thư thì không, tuyệt nhiên. Anh không giấu giếm rằng anh nhát. Lần này có người tin cẩn anh lại gửi quà – một cuốn sách. Chúng tôi chơi với nhau đã nửa thế kỷ, người nọ thuộc tính người kia, tôi không giận anh. Anh cho quà là quý rồi. Anh biết chắc tôi sẽ thích món quà của anh.

Mà thích thật. Trước hết, đó là cảm giác gần gụi của thân phận tác giả với thân phận người đọc, của sự đồng cảm. Cứ đọc xong một bài, có khi chỉ một đoạn, lại phải đặt sách xuống, thừ người ra mà ngẫm nghĩ. Có chỗ, ứa nước mắt.


Thích thì thích, nhưng tôi đã không đọc nổi Tuỳ Tưởng Lục của Ba Kim một mạch. Chắc nó cũng có sức lôi cuốn tương tự với những ai từng sống trong xã hội cộng sản và có một chút trăn trở về xã hội ấy: nó thật sự là cái gì vậy? nó có xứng với ta, với con người, không? liệu nó còn tương lai không?

Tuỳ Tưởng Lục là lời tâm sự thật thà của một trí thức háo hức đi tìm chân trời mới rồi lớ ngớ thế nào lại thấy mình rơi tõm xuống địa ngục. Trong Tuỳ Tưởng Lục có đủ nỗi nhục nhằn tinh thần và những mất mát làm trái tim suốt đời rỉ máu, không kể đến những đớn đau thân xác.

Tuỳ Tưởng Lục, bản tiếng Việt (nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002) là một tập những bài viết của Ba Kim trong tuổi trên 80, nghĩ gì viết nấy, không câu nệ thể loại, đề tài. Hai dịch giả danh tiếng – Trương Chính và Ông Văn Tùng – tự chọn các bài để dịch. Sự chọn lựa của hai ông rất khéo: vừa đủ để người đọc được biết về một thảm họa xảy ra ở nước láng giềng đã nhiều năm, nhưng vì bị bưng bít nên không ai biết vân mòng nó ra làm sao, đồng thời cũng tránh được cơn giận dữ ở các bậc quyền cao chức trọng dễ chạnh lòng.

Tuỳ Tưởng Lục nguyên bản tiếng Hoa là một tác phẩm đồ sộ, gồm 5 tập, không rõ bao nhiêu trang, tập đầu in năm 1978, tập cuối in năm 1986. Những bài được chọn để dịch đều ít nhiều dính dáng tới cuộc “Ðại Cách mạng Văn hoá Vô sản” kéo dài mười năm – từ 1966 đến 1975 (1) . Người Việt nào từng chịu đựng cuộc Tiểu cách mạng văn hoá vô sản ở Việt Nam (nó không có tên gọi, kéo dài và âm thầm) sẽ tìm thấy trong Tuỳ Tưởng Lục (bản dịch) những lý giải cho câu hỏi: vì sao nên nỗi?

Những nghiên cứu khoa học cho ta biết trong trí nhớ của con người có một bộ lọc kỳ diệu. Nó thường xuyên xóa đi giúp ta những hình ảnh xấu, những kỷ niệm buồn. Không có cái bộ lọc ấy thì cuộc sống con người khốn nạn lắm. Thật vậy, tôi cũng thường quên những điều tồi tệ, chỉ những kỷ niệm đẹp mới được ghi lại. Tác giả Tuỳ Tưởng Lục chắc cũng không khác. Không thế, không sống nổi.

Vậy mà, với Tuỳ Tưởng Lục Ba Kim lại chống cái trí nhớ có lợi cho con người ấy. Trải qua những năm tháng bị dập vùi, ngẫm lại thân phận mình và thân phận đồng bào trong cái xã hội “không thể tưởng tượng nổi,” ông kêu gọi mọi người không được quên cái Ác và tội của nó. Quên là chết. Nhớ thì đau đấy, khổ đấy, nhưng phải khắc cốt ghi xương, rằng nó đã có, cái Ác ấy, nó hằng có, lúc tiềm tàng, lúc hiện diện, cho nên phải luôn cảnh giác với nó, để mặc nó lộng hành thì con người không thể nào có được cuộc sống yên lành. Phải chặn đứng cái Ác khi còn chưa muộn, phải trói nó lại, cách ly nó khỏi đời sống, tìm mọi cách tiêu diệt nó. Không thể để lũ ác nhân cứ tự do hoành hành, tác yêu tác quái, rồi bất kể hậu quả là thế nào, chúng cứ nhơn nhơn lớn lối với bàn dân thiên hạ, coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ có mình chúng là duy nhất đúng đắn, là vô cùng sáng suốt: “Thành tích là căn bản, sai lầm là nhất thời.” Ðối với lũ ác nhân đội lốt thiên thần dường như cứ đạt được một thành tích nào đó, dù chỉ trong tưởng tượng, thì cái gì cũng được phép. Ðánh người tuỳ thích. Giết người tha hồ.

Gần ba chục năm đã trôi qua kể từ hạo kiếp của Ba Kim kết thúc. Nhưng ông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi câu hỏi: lấy gì bảo đảm rằng vào một lúc nào đó, lại không có một tên nào đó, hoặc vài ba tên nào đó, hoặc cả một lũ một lĩ nào đó, sẽ lặp lại lần nữa, hoặc hơn một lần nữa, cái cuộc thiên hạ đại loạn từng đẩy ông, các bạn ông, và không biết bao nhiêu người Trung Quốc hiền lành vô tội khác, xuống địa ngục?

Trong một bài nói chuyện với giới văn hoá ở Nhật (trong bài không ghi rõ ngày tháng, nhưng chắc chắn là phải sau 1975), Ba Kim cảnh báo: “Mười năm đại hoạ đó là sự việc lớn trong lịch sử loài người, chẳng những dính líu đến chúng tôi, mà còn dính líu đến tất cả loài người”. Nếu Ðại cách mạng văn hoá vô sản không xảy ra ở Trung Quốc ắt phải xảy ra ở một nước nào khác, ông nói thế.

Ba Kim đúng. Ðúng ở chỗ ông đã nói ra. Nhưng ông cũng sai. Sai ở chỗ ông biết mà không nói hết.

Ðúng là cuộc Ðại cách mạng văn hoá vô sản không phải chỉ là bài học cho một nước. Nó là bài học chung cho cả loài người. Chưa kể những nơi mà nó khơi dậy những tiểu cách mạng văn hoá vô sản như ở Việt Nam và Cambodia. Ở đó những di hoạ khủng khiếp của nó không biết đến bao giờ mới tiệt nọc. Cái họa này lớn hơn ta tưởng nhiều. Nó lớn ở chỗ người trong cuộc không nhận ra nó khủng khiếp tới mức nào, đừng nói gì người ngoài. Mà không phải chỉ ở những nơi nào nó diễn ra mới chịu hậu quả tai hại. Cứ xem châu Âu của truyền thống dân chủ và tự do trong thập niên 60 thế kỷ trước thì thấy. Hồi ấy đã có bao nhiêu trí thức châu Âu hoan hỉ chào mừng những cuộc “vận động” của những “mao-nhiều” Trung Quốc, cứ như thể dưới bóng lá cờ năm sao đang diễn ra một cuộc đổi đời thật sự, biến mọi sự xấu thành tốt. Ðã có bao nhiêu người ở khắp thế giới này hướng về Thiên An Môn với hi vọng được thấy một thế giới mới sẽ từ đó toả ra khắp năm châu bốn biển? Và cho tới hôm nay rải rác đâu đó vẫn còn những “mao ít” mang huy hiệu Mao Trạch Ðông trên ngực, miệng hô: “Cái thế giới này phải cải tạo bằng khẩu súng trường,” (2) tay trói du khách đem đi giấu để đòi tiền chuộc.

Ba Kim sai, ở chỗ nơi “Ðông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Ðông” không phải chỉ có một cuộc Ðại cách mạng văn hoá vô sản. Trước nó đã có hết cuộc “vận động” này đến cuộc “vận động” khác, và như một quy luật, cuộc “vận động” nào cũng kết thúc bằng một địa ngục, không phải cho người này thì người kia. Ai theo dõi tình hình Trung Quốc cận đại cũng biết rằng trước cái đận Ba Kim và các trí thức đi theo đảng cộng sản bị hạ ngục, bị trấn áp, đã có biết bao nhiêu nạn nhân thuộc các thành phần khác: đảng viên Quốc dân đảng, viên chức chính quyền cũ, tư sản, địa chủ… và những người được gọi bằng cái tên chung “phản động.” Số người bất hạnh ấy là bao nhiêu không ai biết. Ðảng cộng sản không thống kê. Chẳng ai được quyền thống kê hết. Nhưng không phải vì thế mà Ba Kim được quyền quên những người ấy. Hoặc tảng lờ như họ chưa từng sống trên đời. Họ cũng là người chứ. Chẳng lẽ ông, với tư cách nhà văn, chứng nhân của những gì xảy ra quanh mình, lại có thể phớt lờ một sự thật rành rành rằng ở Trung Quốc mọi cuộc “vận động” “xây” cái này, “chống” cái kia, bao giờ cũng đi kèm với trống rong cờ mở ban đầu và kết thúc thắng lợi với máu chảy, người chết. Lệ là thế. Không thế không phải là cách mạng. Theo đúng lý thuyết của họ Mao.

Ba Kim được các nhà phê bình văn học bản địa coi là một trong bốn cây đại thụ của nền văn học Trung Quốc (ba người kia là Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược). Cách đánh giá của họ không có sự đồng thuận ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đánh giá theo cách nào thì Ba Kim cũng là một nhà văn lớn. Ông tên thật là Lý Nghiêu Ðường, tự Phế Cam, người tỉnh Tứ Xuyên, con nhà giàu có, từng du học Pháp. Năm 23 tuổi, khi còn là học sinh trường trung học La Fontaine ở thị trấn Chateau-Thierry, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Diệt Vong, được độc giả rất hoan nghênh. Từ năm 1930-1949 ông viết nhiều (Ái Tình Tam Bộ Khúc, Kịch Lưu Tam Bộ Khúc), dịch cũng nhiều.

Sau năm 1949, sau khi lục địa Trung Hoa hoàn toàn bị nhuộm đỏ, Ba Kim cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ khác, đã đi theo đảng cộng sản. Tự nguyện hoàn toàn. Một lòng một dạ. Với tất cả tâm hồn hướng thiện nồng cháy. Tuy nhiên, Ba Kim viết ít hơn hẳn so với trước. Nhà trí thức Ba Kim không theo kịp (hay đã cố gắng mà không sực nổi) những khẩu hiệu “Quán triệt phương hướng phục vụ công nông binh, phục vụ chủ nghĩa xã hội,” “thực hiện phương châm “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng,” “Tiến hành phương pháp chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”… Nào có phải chỉ có những khẩu hiệu rổn rảng mà thôi. Theo sau chúng là những cuộc đấu tranh có máu. Nào “Phê phán phim Vũ Huấn” (1951), “Phê phán cuốn ‘Nghiên cứu Hồng Lâu Mộng’ của Du Bình Bá”, “Phê phán quan điểm duy tâm của Hồ Thích” (1954), “Chống tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” (1955), “Chống phái hữu trên mặt trận văn nghệ” (1957), “Chống “chủ nghĩa xét lại” (1959). Ðây là chỉ nói về các cuộc “vận động” nhằm nện cho trí thức nhừ tử. Chứ còn tư sản, địa chủ thì Mao chủ tịch và các đồng chí của ông ta đã quét sạch sành sanh.

Tất cả sự tàn nhẫn của đảng cộng sản đối với trí thức, xét cho cùng, chỉ có mục đích bắt họ phải khuất phục đảng vô điều kiện. Nhưng chưa phải thế đã đủ, những cuộc “vận động” kia hoá ra mới chỉ là khúc nhạc dạo cho một cuộc “cách mạng” còn tàn bạo và gớm ghiếc gấp bội.

Tên của nó là “Ðại cách mạng văn hoá vô sản.”

Tháng 8 năm 1966, đùng một cái, Ba Kim rơi xuống địa ngục.
Ông tả lại: “… Tôi thật giống như một du hồn bị đưa đến ‘Thập điện Diêm Vương.’ Mỗi chuyện tôi làm trong quá khứ đều bị nêu ra, từng cái một, để bỏ tôi vào vạc dầu mà tra tấn, mà thay xương đổi thịt! Mười bức vẽ đưa vong linh đi qua thập điện Diêm Vương, âm khí thê thảm, máu chảy đầm đìa, không biết mình là người hay là quỷ, là thú vật hay hồn ma, xuống âm ty hay đã xuống địa ngục rồi. Bấy giờ Tiêu San (3) còn sống, sáng dậy tôi mở mắt, nghe tiếng nàng, tôi gọi thì nàng nói: ‘Không sống nổi nữa!’” (Tuỳ Tưởng Lục).

Nói đùng một cái, là vì Ba Kim đang sống yên lành, hơn nữa, còn hữu hảo lắm lắm với chính quyền cộng sản, vào thời điểm ấy ông còn là cán bộ cấp cao về văn nghệ nữa kia; ấy thế mà một hôm vừa mới đi tiễn các nhà văn Á-Phi ở sân bay về đến nhà thì gặp người của cách mạng ập tới, túm lấy, trói tay giải đi. Úm ba la, Ba Kim – nhà văn cộng sản chính tông – trở thành “đối tượng của chuyên chính vô sản.” “Ðối tượng,” chữ ấy thoạt nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, một khái niệm vô cảm, nhưng nghĩa của nó trong thực tiễn xã hội chủ nghĩa kinh khủng lắm, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nó có nghĩa nôm na là “kẻ thù.” Không phải chỉ đơn giản là kẻ thù giai cấp được định nghĩa trong các tác phẩm kinh điển mác-xít, nhiều nhất là trong các trước tác của Stalin, Mao Trạch Ðông, không phải thế. Thứ kẻ thù này luôn được đặt trước câu hỏi thách thức “ai thắng ai?”, để mà tiêu diệt không thương sót. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa (viết hoa) ai cũng có thể trở thành “kẻ thù” hết. Mà đã là kẻ thù thì còn cái gì tốt đẹp, vui vẻ, chờ đợi họ trên con đường khổ ải đã trở thành quen thuộc đối với dân đen. Nhất là dân đen ở nước Trung Hoa đỏ. Ở nước này cũng biết mỗi khi có một cuộc “vận động cách mạng” (lần thứ n trong lịch sử) là y như rằng các “đối tượng” của cách mạng (hay của chuyên chính vô sản thì cũng rứa) sẽ được “xử lý” như thế nào.

Nhà văn Ba Kim hiền lành không dám chống lại đảng cộng sản thậm chí cả trong ý nghĩ, bất thình lình bị đảng ném vào cái đống lúc nhúc đủ mọi thứ “kẻ thù của cách mạng.” Ông bị mang đi đấu khắp nơi, từ thấp đến cao, lúc “bồi đấu”, lúc “dạo đấu,” (4) lúc “chính đấu”, đủ kiểu. Nhà ở của ông bị lục lọi khám xét lanh tanh bành, đồ đạc bị cướp thả cửa…, bản thân bị đưa đi học tập (Ba Kim gọi là làm “bò”, lao động cải tạo ở “trường 7.5” (5) ). Bởi vì Ba Kim có tội, theo quan niệm của cách mạng, của đảng cộng sản, hay nói cho đúng hơn, của một số “ông bà” cách mạng (than ôi, chẳng bao lâu sau những ông bà cách mạng này lại bị các ông bà cách mạng khác vạch mặt chỉ tên rằng đó là một “bè lũ” những kẻ xấu). Tội của Ba Kim không hề được tòa án nào tuyên. Mấy ông bà cách mạng nắm Ðảng cộng sản lúc ấy bảo: Ba Kim là “tên đại phản cách mạng.” Thế là đủ. Bói ra ma, quét nhà ra rác, trường hợp của ông cũng không khác gì của các nhà văn khác, những gì Ba Kim viết hôm trước được khen, hôm sau bị chửi, bị lên án “tiếp tay cho kẻ thù của cách mạng.”

Trong các văn kiện nói về cuộc trấn áp rùng rợn này, đảng cộng sản Trung Quốc ra một khẩu hiệu sắt máu: “Ðánh gục tại chỗ, lấy chân đạp xuống, suốt đời không cho ngóc đầu dậy!”

Ở miền Bắc Việt Nam hồi ấy chẳng ai biết “Ðại cách mạng văn hoá vô sản” là cái chi chi hết, trừ những bài ca ngợi nó, tít chữ to, in màu đỏ đậm, trên trang nhất tờ Nhân Dân. Trong những cuộc nói chuyện “nội bộ,” các lãnh tụ lớn lãnh tụ bé ra sức ca ngợi cuộc “Ðại cách mạng văn hoá vô sản” do chính Mao chủ tịch vĩ đại đích thân chỉ đạo. Trong thời gian bắt đầu cuộc “Ðại cách mạng văn hoá vô sản,” Mao chủ tịch phu nhân là Giang Thanh có lần bay sang Hà Nội với tư cách khách riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà khách hách dịch này nằng nặc đòi xem trước những bài xã luận báo Nhân Dân, tự mình sửa từng chữ từng câu, rồi mới gửi trả lại cho toà soạn đưa đi in. Cầm trong tay những số báo ca tụng “Ðại cách mạng văn hoá vô sản,” người đọc giật mình thon thót, toát mồ hôi hột: liệu ở bên ta rồi có sẽ có cái “cách mạng” kiểu đó không? Mấy ông kễnh bên ta dám động cỡn lên làm một cái gì đó theo chân các Con Trời lắm. Nước Tàu ở gần ta quá, mà các ông kễnh của ta lại xính bắt chước. Cứ nghe các ông ấy nói thì cuộc “Ðại cách mạng văn hoá vô sản” ở bên Tàu hay lắm, rằng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn là nhờ vào nó đấy. Cứ như thể không có cách mạng thì người ta ăn cám cả.

Ờ, người ta nói, tốt hơn thì… tốt thôi. Miễn đừng có khởi lên một cuộc “đấu tranh” long trời lở đất như cải cách ruộng đất. Kinh nghiệm sống trong quốc gia xã hội chủ nghĩa cho người ta biết phàm đã “đấu tranh” là y như rằng xã hội lộn tùng phèo, đầu chẳng phải phải tai, lành ít dữ nhiều, loạn xị bát nháo, kinh lắm. Các lãnh tụ quyền sinh quyền sát mà khởi lên cái sự “đấu tranh” thì họ có lợi, chứ dân đen chỉ có nước chết, biết “tránh đâu”?

Nhưng những tin vỉa hè, bây giờ được dân gian gọi bằng một cái tên hiện đại, mà rất trúng, là Thông tấn xã nhân dân, cho biết ở bên Tàu chẳng có cách mạng cách miếc gì hết, mà đang có một cuộc “thiên hạ đại loạn” với những tiểu tướng Hồng vệ binh hung hăng đập phá, bắt bớ, và cả giết chóc nữa.

Bắc Kinh mà đã báo mưa thì vua quan ở Hà Nội đi ô, bà con hãy cẩn thận!

Nhưng than ôi, đã ở trong vòng kiềm toả của đảng cộng sản rồi thì có cẩn thận cũng bằng thừa.

Thật vậy, chẳng bao lâu sau sự khởi đầu “Ðại cách mạng văn hoá vô sản,” Lê Duẩn – hoàng đế tân triều ở nước ta, ngồi trên ngai vàng vẫn chưa quên việc bẻ ghi đường sắt, ra lệnh phát động ngay tắp lự một cuộc trấn áp bọn phản cách mạng, theo hình mẫu Trung Quốc, gọi là “bọn xét lại chống Ðảng.”

Thế là tôi vào tù. Cùng với vô số người khác.

Trong cuộc sống trong xà lim kín như bưng kéo dài hơn bốn năm, tôi không biết việc gì đang xảy ra bên ngoài bốn bức tường, nói gì đến những việc xảy ra ở tận bên Tàu. Ðến lúc được đưa ra trại chung mới được nghe sơ sơ về cái cuộc cách mạng long trời lở đất ấy. Những người Trung Hoa từ đại lục chạy qua, bị bỏ tù bởi nước chư hầu của Thiên triều, tránh không kể kỹ. Không phải vì họ sợ, đã ở trong nhà tù Việt Nam rồi còn quái gì mà sợ, nhưng họ ngán nhắc tới những kỷ niệm hãi hùng. Còn tôi thì nghe cái sự kể sơ sơ ấy đã dựng tóc gáy. Còn khiếp hơn những chuyện kinh dị đọc trong sách nhiều. Mạng người như mạng ngoé, có khi còn rẻ hơn. Dân thường còn thế, chắc trí thức Trung Quốc khốn khổ lắm.

Ðến những năm 1979-1980 khi cái răng Trung Quốc đùng đùng cắn môi Việt Nam một cái rõ đau, các nhà lãnh đạo Việt Nam coi Trung Quốc là kẻ thù số một số hai rồi, tôi mới được đọc lác đác vài cuốn sách bôi xấu những nhà lãnh đạo một thời của Thiên triều, đại loại như Hồng Ðô Nữ Hoàng (Giang Thanh), những chuyện thâm cung bí sử có liên quan tới Mao Trạch Ðông, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Diệp Kiếm Anh, Hạ Long, Bành Ðức Hoài, Chu Ân Lai…

Nhưng mãi đến bây giờ, ba chục năm sau đó, qua Tuỳ Tưởng Lục tôi mới được biết cái ngày “hội cách mạng” ở Trung Quốc đã diễn ra với giới trí thức như thế nào?

Tôi tin Ba Kim nói thật trong những gì ông viết về “Ðại cách mạng văn hoá vô sản.” Tôi tin rằng ông không bịa thêm, như thường thấy trong những hồi ký tố khổ. Nhưng tôi cũng tin rằng ông đã nói ít hơn những điều ông biết và có thể kể lại. Có thể cảm thông với ông, ông không thể nói đủ, nói hết. Một phần là do sợ hãi (sợ hãi là một thành tố của tính người xã hội chủ nghĩa, không có nó không có con người xã hội chủ nghĩa). Phần khác do mặc cảm tội lỗi: xét cho cùng, Ba Kim đâu có hoàn toàn vô can trong những điều tồi tệ đã diễn ra?

“Ðại cách mạng văn hoá vô sản,” theo lời tả của Ba Kim, bắt đầu một cách ào ạt, rầm rộ, với trống rong cờ mở, thanh la não bạt; hào hùng lắm, khí thế lắm. Trong không khí sôi động ấy, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ… , nói tóm lại, tất tần tật các văn nghệ sĩ, các nhà trí thức, lần lượt bị phái “tạo phản” (một tên gọi phái cực tả hồi ấy) điểm mặt, lôi ra. Họ bị buộc đủ các thứ tội đối với cách mạng, từ khinh thị công nông, nói xấu Ðảng, nói xấu lãnh tụ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, bôi nhọ chế độ, đến phản cách mạng, bán nước… Họ là đều là “hoa dại,” là “cỏ độc” hết, tuốt tuột. Phái “tạo phản” la hét đầu đường cuối phố: “Phải quét sạch, phải nhổ tận rễ mọi thứ hoa dại cỏ độc.” Quần chúng, như đàn cừu Panurge, ào ào theo sau, xông vào nhà những người bị đấu, lôi họ ra đường, bắt họ đội “mũ cao” (một hình thức nhục mạ), nhổ bọt vào mặt họ, ném đá vào người họ, hô to những khẩu hiệu đòi tiêu diệt họ. Và xông vào nhà bọn hoa dại cỏ độc mà ăn cướp, ăn cướp thực sự, theo nghĩa đen.

Ba Kim tả: “Tôi bỗng trở thành ‘ác bá văn chương,’ (6) thành ‘yêu ma quỷ quái,’ thường xuyên bị lôi ra phê đấu. Về sau do ‘lũ bốn tên,’ qua quyết định của sáu người có trách nhiệm ở Thượng Hải là Vương Hồng Văn, Mã Thiên Thuỷ, Từ Cảnh Hiền… đánh tôi thành ‘tên phản cách mạng không đội mũ cao’ đuổi tôi ra khỏi giới văn nghệ. Phái ‘tạo phản’ và tay chân của ‘lũ bốn tên’ dán lên mấy nghìn tờ báo chữ to (đại tự báo) về tôi, thậm chí còn dán biểu ngữ ngay trên đường cái nói tôi là ‘quân bán nước,’ ‘phản cách mạng,’ cho tôi là thối tha. Trương Xuân Kiều tuyên bố công khai không cho tôi sáng tác nữa.” (Tôi Và Văn Học). “Nghĩ lại những ngày ấy… tôi vẫn rùng mình rởn gáy. Tôi cảm thấy rành rành rằng tấm lưới xung quanh tôi ngày càng thít lại, mỗi tuần lễ một ghê gớm hơn”…”Nực cười là tôi cũng cho nhân quyền là thứ của giai cấp tư sản, còn hạng ‘yêu ma quỷ quái’ như chúng tôi không có tư cách hưởng những thứ ấy. Lúc đó sống một ngày dài bằng cả năm, còn bụng dạ nào mà cười? (Về Nói Thật. Bài Thứ Ba). “Tôi không giấu là nhiều lần tôi bị phái ‘tạo phản’ lôi lên bục bắt ‘ngồi máy bay phản lực’; tôi cúi đầu nhận tội, diễn đủ các trò hề! Có lần, tôi và một ông bạn nhà văn già phải quỳ trên sàn hội trường phân hội Liên hiệp các nhà văn để tiếp thu những lời phê phán ‘phần tử cuồng loạn’ của bọn học sinh “cách mạng.” (Vô Ðề)

Không phải chỉ có Ba Kim bị hạ nhục. Vào thời kỳ đen tối ấy những công thần của cách mạng như Lưu Thiếu Kỳ, Trần Nghị, Ðặng Tiểu Bình, Chu Ðức, Bành Ðức Hoài, Trần Vân… cũng phải gục đầu quỳ gối trước các tiểu tướng Hồng vệ binh.

Nhưng đó là những nhà chính trị. Họ có thể chịu nhục nhiều, và nhiều lần, hết ra lại vào Trung Nam Hải, miễn thực hiện được mục đích. Trí thức không giống họ. Trí thức là những người không có da dầy, rất mẫn cảm với mọi tác động từ bên ngoài. Cách mạng vô sản chưa kịp tiêu diệt họ thì nhiều người trong bọn họ đã tự diệt mình rồi. Ba Kim kể: “Dĩ Quần (7) là người thứ nhất. Nghe nói, anh nhảy lầu ngày mồng hai tháng tám, nhưng cho đến hôm nay (8) tôi vẫn chưa biết rõ anh bị bức phải nhảy lầu như thế nào. Tôi chỉ biết anh bị người ta bức tử với tội ‘không cần có chứng cứ’… “Dĩ Quần chết một tuần rồi tôi mới hay tin, còn như Lão Xá ‘vỡ ngọc’ (9) thì một thời gian lâu sau khi ông tự sát.” Những người tự sát chưa chắc đã là những người hèn nhát. Phó Lôi, một người bạn mà Ba Kim mến phục, giải thích cái chết của bạn bè, và của chính mình, bằng câu: “Kẻ sĩ, có thể giết, không thể làm nhục.” Sau Dĩ Quần, Lão Xá, Ba Kim được tin Trần Ðồng Sinh, Kim Trọng Hoa… “họ ở rất gần nhà tôi, thế mà tôi không biết họ chết vào lúc nào. Kim Trọng Hoa lặng lẽ treo cổ trong phòng, bà mẹ tám mươi chỉ nghe tiếng ghế đổ… Trần Ðồng Sinh, thì nghe nói chết nằm vắt trên bếp ga, do đó người ta đoán anh tự tử. Nhưng anh đang ở trong thời kỳ ‘cách ly kiểm tra’ mà, làm sao có thể mở bếp ga được?” (10) (Hai Mươi Năm Trước). Cù Bạch Âm chỉ vì một bài “Tự bạch về đi tìm cái mới” mà “chịu đủ mọi nỗi giày vò như ở địa ngục,” kết thúc bằng cái chết bi thảm (Tìm Tòi).

Ba Kim viết: “Trong Văn Cách (11) , những trí thức bị chết oan đâu chỉ có hàng ngàn, hàng vạn. Họ nêu cao tấm gương phê phán cái triết lý ‘hãy cứu lấy mạng sống.’ Tôi nhớ thời chống phái hữu (12) , tôi có viết một bài báo bác lại luận điệu ‘không thể làm nhục’ để đập tan bộ mặt kiểu cách của các nhà trí thức. Viết bài đó kỳ thực là tôi ‘cứu lấy mạng sống của tôi’ ” (13) (Hai Mươi Năm Trước).

Những trí thức tìm đến cái chết nhiều phần vì không chịu bị làm nhục, bị dày vò quá sức chịu đựng về thể xác. Trong gia đình Ba Kim, chính ông bị bắt bắt quỳ hằng giờ trên sàn đấu, bắt “đi máy bay phản lực,” (14) Tiêu San, vợ ông, bị bọn “tạo phản” quất dây da bịt đồng vào mặt, hành hạ bà đủ trò trước khi bà nhắm mắt vì bệnh ung thư (tháng 7.1972). Con cái Ba Kim bị đẩy đi công tác nông thôn, ở tít tắp những nơi gọi là vùng sâu vùng xa. Gia đình nào vướng vào vòng Ðại cách mạng văn hoá vô sản thì số phận cũng tương tự như vậy. “Tôi nghe người con dâu đồng chí Chu Tín Phương kể lại: bà Chu trước khi mất thường bị bọn đầu gấu lôi ra làm quả bóng xô đi đẩy lại, đến nỗi mình mẩy mềm nhũn. Có người khuyên bà trốn đi, bà nói: “Tôi mà trốn đi thì chúng nó lại hành hạ ông nhà tôi như thế thôi mà” (Thương Nhớ Tiêu San). Nhà văn nổi tiếng Lão Xá cũng bị đánh cho tơi tả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không hề nương nhẹ với kẻ chân yếu tay mềm. Vợ Lão Xá kể: “Tôi không thể nào quên được trong đêm khuya đã tự mình lấy bông thấm nước, lau từng chút một những vết máu trên đầu, trên mình người thân của tôi như thế nào, mà không rõ chuyện này ở đâu, tại sao lại ra nông nỗi ấy… ” (Lão Xá).

Ðến như thân sinh nhà văn Giả Bình Ao (mới nổi tiếng sau này), chỉ là một thầy giáo làng (một trí thức cấp thôn xã) thôi, không biết cứng đầu thế nào mà cũng bị trấn áp, gia đình tan nát. Giả Bình Ao cho một nhân vật của ông kể về những ngày ấy: “Ba năm trước, nổi lên một cơn gió, phải học tập Tiểu Cận Trang, kéo hết người ở ngoài đồng về, suốt ngày môi đỏ răng trắng nói a, hát a. Anh nhà tôi cáu kỉnh nói trước hội nghị xã viên: ‘Nông dân mình bới đất kiếm cơm, khua môi múa mép làm gì? Ăn ngũ cốc không tiêu được hay sao mà bày ra cái trò vớ vẩn ấy,’ hôm sau liền bị bắt. Trong trại giam họ đánh đập anh ấy, đánh gãy cả chân, vết thương bị nhiễm trùng, rồi anh ấy chết.” Trong chuyện, người vợ kiên trì minh oan cho chồng, rốt cuộc bị các quan cấp xã cấp huyện trù dập, bị xã trưởng hiếp, tự tử mà chết.

Ðấy là cái mà cách mạng vô sản mang đến cho trí thức, lớn cũng như bé. Sau này, mọi tội do Ðảng cộng sản gây ra trong Ðại cách mạng văn hoá vô sản đều được vẫn cái đảng cộng sản ấy đổ tuốt tuột vào cái thùng rác tiện lợi là phái “tạo phản.”

Nhưng không phải mọi trí thức đều tuẫn tiết. Phần lớn trí thức không làm thế. Không phải họ không có dũng khí. Cũng không phải họ không biết chán chường. Một trong những lý do khiến họ phải cố gắng sống sót là họ đã ăn phải “cháo lú” (từ của Ba Kim).
Ba Kim tâm sự: “Những ngày ấy, cuộc sống ấy, quan hệ ấy giữa con người và con người, thật là đen tối quá chừng, giống như đang chịu tội giữa địa ngục vậy. Tôi lấy làm lạ, bấy giờ tôi đã ăn cháo lú gì mà có thể giơ hai tay lên, hô to đả đảo mình, cam lòng nhận tội, để cho kẻ khác tước đoạt quyền làm người của mình”. “Không phải là tôi đang nói mê. Năm 1966 quả thực tôi đã làm thế. Cháo lú đã làm tôi mê suốt mười năm. Năm 1983, nó lại định đưa tôi vào cảnh mộng một lần nữa, nhưng cái phép quỷ quái quen thuộc đã mất tác dụng làm cho tôi lú lẫn lần nữa” (Hai Mươi Năm Trước).

Sao mà giống những gì xảy ra ở Bắc Việt Nam đến thế! Hãy nhớ lại thời kỳ cải cách ruộng đất mà xem. Có phải là như thế không?

Nói cho đúng, sao mà Bắc Việt Nam giống Trung Quốc đến thế!

Ở Việt Nam, trong những cuộc chỉnh huấn bắt đầu từ năm 1950 (sau khi biên giới Việt Trung được khai thông) và kéo dài nhiều thập niên sau, cứ thỉnh thoảng lại nổi lên một đợt, hiện tượng ăn phải “cháo lú” cũng y hệt ở Trung Quốc. Người ta tự hành hạ mình bằng cách tự kiểm thảo, không phải là nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm, mà là tự nói ra những khuyết điểm trước Ðảng, có nghĩa là trước cấp trên, theo cách biểu diễn, bằng một sự thành khẩn không thể tin được, tức là thổi phồng những khuyết điểm ấy càng lớn càng tốt, rồi tự xỉ vả bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề nhất, thậm chí bịa đặt ra những tội lỗi mình không hề có, tự mình đả đảo mình (cũng giống như Ba Kim ở Trung Quốc). Ði xem phim Bạch Mao Nữ (Cô Gái Tóc Trắng), người ta bắn lên màn ảnh khi thấy hình tên địa chủ xuất hiện. Ði xem kịch người ta ném đá vào diễn viên đóng vai cường hào. Tất cả những cái đó được nhập cảng ồ ạt từ Trung Quốc đỏ. Thứ “cháo lú” này tôi đã được thấy tác dụng của nó như thế nào. Khi một đám đông đã ăn phải “cháo lú” tức thì xuất hiện sự “lên đồng tập thể.” Con người bỗng chốc mất hết tính người, tính thú nổi lên. Cuộc tổng đàn áp, tổng giết chóc, không cần tới tay những người cộng sản nữa, dân chúng tự giết lẫn nhau là đủ.

Nhưng cũng lại phải nói cho công bằng, về đại thể, mức độ tàn bạo của những cuộc “vận động” cách mạng do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo quả có thấp hơn ở Trung Quốc nhiều, quy mô quả có hẹp hơn nhiều. Ðơn giản vì Bắc Việt Nam là nước nhỏ, cái gì ở đó cũng chỉ “tiểu” thôi, chứ không thể “đại” (ở Trung Quốc đã Nhảy Vọt rồi người ta cũng phải thêm Ðại vào cơ, cho nó oách).

Khốn thay, số phận con người thì ai cũng như ai, cách mạng đại hay cách mạng tiểu thì cũng thế, mỗi con người chỉ có vỏn vẹn một cuộc đời để mà sống, người Trung Quốc cũng y như người Việt Nam, chẳng có gì khác nhau. Bi kịch cho một con người lớn chẳng kém bi kịch của số đông chút nào, có khi còn lớn hơn. Bởi một con người là cái cụ thể, cái thấy được, cái biết được, rõ ràng hơn bất kỳ con số thống kê nào. Có người sẽ bảo: dân Trung Quốc hơn một tỉ, Ðại cách mạng văn hoá vô sản có làm chết đến mươi triệu không mà rộn? Mà có chết mươi triệu hay hơn nữa thì cũng chưa tới một phần trăm cơ mà. Xin thưa: một con người ở trong con số một triệu, hay mười triệu, vẫn là một người như tôi với ông đây này, có vợ có con, có mẹ có cha, có bằng hữu, có thân thuộc, có niềm vui nỗi buồn, có đau thương, có hạnh phúc…, có tất cả những gì thuộc về con người “không xa lạ với tôi,” nói theo cách của Mác.

(Còn tiếp)

Vũ Thư Hiên

(Văn Việt)



Chú thích

(1) Hình như sau năm 1975 hậu quả của Ðại cách mạng văn hóa vô sản cũng còn kéo dài đối với những trí thức bị trấn áp.
(2) Trích Mao tuyển
(3) Ba Kim phu nhân
(4) Hai thứ đấu này chưa được nhập khẩu vào Việt Nam, “bồi đấu” là bị đấu nhưng là đấu phụ, không phải là nhân vật chính của cuộc đấu; “dạo đấu” là không phải bị đấu ở đơn vị sở tại, địa phương sở tại, mà đơn vị khác, hoặc địa phương khác mượn về đấu để “nâng cao lập trường”.
(5) Trường 7.5 là một thứ trại tập trung.
(6) Cụm từ này chắc chắn không có trong từ vựng của bất cứ ngôn ngữ nào.
(7) Có quá nhiều tên văn nghệ sĩ được Ba Kim nhắc tới. Họ đều là những người có tên tuổi trong nền văn nghệ Trung Quốc, nhưng ít được người đọc Việt Nam biết đến. Xin miễn chú thích.
(8) Từ 20 năm sau.
(9) Ý nói chết.
(10) Ba Kim ngờ có cả nhiều trường hợp bị giết chết rồi đổ cho là tự sát.
(11) Ðại cách mạng văn hóa vô sản.
(12) Một cuộc “đấu tranh” trước Ðại cách mạng văn hóa vô sản.
(13) Ba Kim viết rất thực tâm trạng của ông, cũng là tâm trạng nhiều trí thức xã hội chủ nghĩa khác.
(14) Ba Kim không miêu tả kiểu nhục hình này. Có thể đoán là bị treo lơ lửng.

"Sáng kiến" của ông Tập Cận Bình thất bại vì bành trướng Biển Đông

Các nước nên kiềm chế và không nên để mình bị lóa mắt bởi chiến dịch PR này của Bắc Kinh. Mọi dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ nên xem xét khi nó thực sự...

Suthichai Yoon, một nhà bình luận của tờ The Nation Thái Lan ngày 24/9 cho biết, Bắc Kinh đã chính thức tung ra hoạt động quảng bá sáng kiến "Một vành đai, một con đường" tại triển lãm Trung Quốc - ASEAN (EXPO) tại Nam Ninh vừa qua. Phó Thủ tướng nước này ông Trương Cao Lệ mở màn với trích dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc, đại ý nói rằng anh em đồng tâm sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng lớn.

Ông Tập Cận Bình là người đề ra "sáng kiến" Một vành đai, một con đường và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên đề xuất 6 điểm của ông Trương Cao Lệ trong việc quảng bá "sáng kiến" này của ông Tập Cận Bình đã thất bại trong việc giải quyết một khía cạnh khác không kém phần quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN: Điều gì sẽ xảy ra khi "anh em" chia sẻ chung một mục đích, nhưng lại bất đồng trong các vấn đề khác? Phản ứng từ 10 nước thành viên ASEAN với "sáng kiến" của ông Tập Cận Bình rất khác nhau.

Một nhà bình luận tại diễn đàn này nói với Suthichai Yoon: "Tôi đã không thấy hoặc nghe nói bất kỳ thành viên ASEAN nào sắp công khai hỗ trợ ý tưởng Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 cho đến nay. Những gì tôi thấy là một sự thâm hụt niềm tin trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông".

Rõ ràng Trương Cao Lệ nhận thức được sự nghi ngờ kéo dài của một số thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines xung quanh ý định tổng thể của Trung Quốc trong khu vực. Ông Lệ hứa sẽ phát triển quan hệ với ASEAN theo cái ông gọi là các nguyên tắc hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và mang tính toàn diện.

Một nhà bình luận khác tham dự EXPO lần thứ 11 nói: "Thách thức khác đặt ra là làm sao Trung Quốc và các nước ASEAN có thể làm việc trên một cơ chế đa phương chứ không phải một cách tiếp cận song phương để cho tất cả các nước có thể thu được lợi ích tối đa từ ý tưởng chung. Trung Quốc thích một thỏa thuận song phương, nhưng hầu hết các thành viên ASEAN sẽ muốn làm việc với Trung Quốc bằng cơ chế đa phương".

Chon Shi-yong, biên tập viên của tờ The Korea Herald tham dự EXPO 11 ngày 24/9 bình luận, có thể chia ASEAN thành 3 nhóm theo thái độ của các nước với "sáng kiến" của Tập Cận Bình. Nhóm sẵn sàng ủng hộ đầy đủ gồm Thái Lan, Lào và Campuchia. Nhóm cơ bản hỗ trợ nhưng vẫn quan tâm lo ngại về một trật tự mới mà Trung Quốc là trung tâm, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Nhóm thứ 3 cảm thấy không thuyết phục về lợi ích thực sự trong động thái này của Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Philippines và Myanmar. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố với các nước láng giềng là Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" và không theo đuổi chính sách bá quyền nước lớn.

Nhưng những tuyên bố công khai của ông Trương Cao Lệ rằng "Trung Quốc kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, an ninh quốc gia của mình" khiến các nước lo ngại, đặc biệt là những hành vi leo thang của Trung Quốc đang công khai diễn ra trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Ông Lệ lại nhắc lại luận điệu cũ, rằng Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình "với các nước liên quan trực tiếp" thông qua tham vấn trên cơ sở "tôn trọng lịch sử" và luật pháp quốc tế. Vấn đề vẫn là đàm phán tay đôi với từng nước, vấn đề vẫn là "chủ quyền lịch sử", tức một thứ lịch sử do Trung Quốc tạo ra chứ không phải các nguyên tắc của công pháp quốc tế - PV.

Ông Trương Cao Lệ ra sức quảng bá cho "sáng kiến" của ông Tập Cận Bình nhưng không thể xóa được nghi ngờ của khu vực về ý đồ thực sự của Trung Quốc.

Đừng lóa mắt vì chiến thuật quảng bá của Trung Quốc

Xung quanh động thái này của Bắc Kinh, Moritz Rudolf từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ngày 24/9 bình luận trên The Diplomat, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình có nguy cơ thất bại, bất chấp chiến dịch quảng bá quy mô lớn mà Bắc Kinh đang tung ra. Thực tế khác xa so với những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc hùng biện.

"Sáng kiến" này được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Kazakhstan tháng 9/2013, một tháng sau ông Bình lại đưa ra "sáng kiến" gọi là "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" khi sang thăm Indonesia. Trong hầu hết các diễn đàn ngoại giao cũng như khi công du nước ngoài, Tập Cận Bình đều thúc đẩy quảng bá cho "sáng kiến" này của mình để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Trung Quốc tại châu Á và châu Âu.

Nhưng thời kỳ Trung Quốc tìm kiếm lợi nhuận kinh tế từ các khoản đầu tư mang động cơ chính trị đã qua lâu rồi. Bắc Kinh đã có ý định đầu tư hơn 900 tỉ USD trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng tại châu Âu, châu Á. Tuy nhiên đến nay Trung Quốc cần tiền để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính đang trì trệ. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 8 vừa qua.

Chính vì những khó khăn tài chính mà một số dự án đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài đã đi vào bế tắc. Ví dụ đường ống dẫn dầu và khí đốt được gọi là Năng lượng Siberia mà Trung Quốc và Nga ký kết tháng 5 năm ngoái đang có nguy cơ treo vô thời hạn. Số phận đường ông dẫn khí đốt Altai kết nối phía Tây Siberia với Trung Quốc cũng có chung số phận.

Ở mức độ cơ bản hơn, Trung Quốc đang có một bước tiến kinh tế ngược, thay vì đặt trọng tâm nhiều hơn vào nhu cầu trong nước, Bắc Kinh đang suy đoán về thị trường xuất khẩu mới vào địa bàn không ổn định như Pakistan. Trung Quốc xuất khẩu công suất dư thừa của các doanh nghiệp nhà nước ra nước ngoài, bằng cách này lãnh đạo Trung Quốc đang cản trở khả năng của chính mình để vượt qua khủng hoảng.

Tập Cận Bình còn đưa ra ý tưởng xây dựng "cộng đồng chung vận mệnh", tuy nhiên ông không thể truyền đạt nội hàm của khẩu hiệu này là gì và thất bại trong việc thuyết phục các quốc gia khác về tính hấp dẫn trong ý tưởng của mình.

Trong khi Tập Cận Bình cam kết hợp tác hai bên cùng thắng, nhưng chiến thắng lớn nhất sẽ thuộc về Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc vừa là chủ đầu tư, đồng thời còn là kiến trúc sư, chủ thầu thi công các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài mà họ cho vay (thậm chí công nhân làm việc đơn giản nhất trong các dự án này cũng từ Trung Quốc - PV).

Mặt khác Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong chính sách đối ngoại, nhất là ở Biển Đông. Bởi vậy các nước nên kiềm chế và không nên để mình bị lóa mắt bởi chiến dịch PR này của Bắc Kinh. Mọi dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ nên xem xét khi nó thực sự khả thi về mặt kinh tế.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không viên tướng nào tháp tùng Tập Cận Bình thăm Mỹ và âm mưu của Lầu Bát Nhất

Đề xuất đầu tiên của Lầu Bát Nhất là không có viên tướng Trung Quốc nào tháp tùng họ Tập đi Hoa Kỳ và các vấn đề quân sự phải được loại trừ khỏi bàn nghị sự.

Michael Pillsbury, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Reagan phụ trách hoạch định chính sách và các chương trình viện trợ bí mật được gọi là Reagan Doctrine ngày 25/9 tiết lộ trên Defense One, nếu để ý những bức ảnh chụp Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần này sẽ không thấy bóng dáng của bất kỳ viên tướng nào bên cạnh ông chủ Trung Nam Hải, điều bất thường của một chuyến công du.

Các phát biểu, thậm chí là cử chỉ hành vi của ông Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ cũng do Lầu Bát Nhất soạn thảo sẵn?

Tuy nhiên chính các viên tướng hàng đầu Trung Quốc lại đang đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo kịch bản để Tập Cận Bình mang theo làm việc với Obama. Vài tuần trước tại Bắc Kinh, một vài viên tướng học giả Trung Quốc đã tiết lộ với Michael Pillsbury một cách rất tự hào về những gì Tập Cận Bình sẽ nói và làm trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và hội nghị thượng đỉnh với Barack Obama.

Quân đội Trung Quốc có một nhóm hoạch định chính sách ít được biết đến trong Học viện Khoa học quân sự và Học viện Quốc phòng, thường xuyên tham mưu chính sách cho Tập Cận Bình và thường có quan điểm xung đột với nhiều trí thức trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Có khoảng 20 viên tướng học giả chuyên lo vạch chính sách để tham mưu cho Tập Cận Bình thông qua các cuộc giao ban Quân ủy trung ương hàng tuần mà Bộ Ngoại giao không có mặt ở đó.

Trước khi Tập Cận Bình lên đường thăm Hoa Kỳ đã có 5 phiên họp với thường trực Quân ủy trung ương mà không có đại diện ngành ngoại giao. Đề xuất đầu tiên của Lầu Bát Nhất là không có viên tướng Trung Quốc nào tháp tùng họ Tập đi Hoa Kỳ và các vấn đề quân sự phải được loại trừ khỏi bàn nghị sự với ông chủ Nhà Trắng.

Họ đã thành công. Không có thỏa thuận hay thảo luận chi tiết nào về vấn đề an ninh Trung - Mỹ sẽ xảy ra và các tướng Trung Quốc lựa chọn tránh mặt trong hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ. Các tướng Trung Quốc tiết lộ với Michael Pillsbury rằng, họ lo lắng Washington có thể qua mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc, vì vậy họ vạch cho Tập Cận Bình "6 điểm" khi đàm phán với Obama.

Thứ nhất, không có thỏa thuận nào về an ninh mạng được ký và không được đàm phán về 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị Sở Tư pháp Hoa Kỳ truy tố năm ngoái về tội gián điệp mạng; Thứ hai, không thảo luận về hoạt động của quân đội Trung Quốc trong không gian hoặc bất kỳ thảo luận nào về kiểm soát vũ khí trong không gian.

                            Ông Tập Cận Bình thăm tập đoàn Boeing, Hoa Kỳ. Ảnh: US News.

Thứ ba, tìm kiếm các cơ hội trao đổi thăm viếng quân sự các loại để Trung Quốc tìm hiểu các điểm yếu của quân đội Mỹ, trong khi phải từ chối không cho Mỹ truy cập vào những căn cứ nhạy cảm của quân đội Trung Quốc; Thứ tư, không hạn chế trong việc Trung Quốc mua bí mất công nghệ công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ;

Thứ năm, không thảo luận về việc quân đội Trung Quốc tích tụ vũ khí chống lại Đài Loan; Thứ sáu là đặc biệt quan trọng với khu vực, không có hạn chế nào nên được đưa ra về hoạt động nạo vét, bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tham mưu của Lầu Bát Nhất, Tập Cận Bình nên tránh các vấn đề an ninh và thay vào đó sử dụng các vấn đề "vô hại nhưng ấm bụng kiểu Mỹ". Ngay cả việc Tập Cận Bình dùng hai ngón trỏ xếp hình chữ "Nhân" có nghĩa là "người" khi mô tả quan hệ Trung - Mỹ trong bài phát biểu tại Seattle cũng do Lầu Bát Nhất tham mưu.

Vẫn theo kịch bản soạn sẵn của Lầu Bát Nhất, Tập Cận Bình nói với giới doanh nhân và chính khách Mỹ rằng, người Trung Quốc luôn luôn coi trọng tinh thần kinh doanh và sự sáng tạo của Mỹ. "Thời trai trẻ tôi đã từng đọc Federalist Papers của Alexander Hamilton và Common Sense của Thomas Paine", ông Bình đã nói theo kịch bản soạn sẵn.

Vợ chồng ông Tập Cận Bình và đoàn tùy tùng đã có mặt ở sân bay quân sự Andrews và được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón. Giới truyền thông Mỹ thì vẫn đang bận rộn đưa tin về các hoạt động của Giáo hoàng ở New York thay vì lễ đón Tập Cận Bình.

Obama sẽ ăn tối và làm việc riêng với Tập Cận Bình vào tối Thứ Năm theo giờ Mỹ, tức sáng Thứ Sáu giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo này sẽ vật lộn với những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương.

Tập Cận Bình sẽ được tiếp đón đầy đủ vào ngày Thứ Sáu theo giờ Mỹ với 21 phát đại bác, một hội nghị thượng đỉnh chính thức, một cuộc họp báo chung và một bữa quốc yến. Ít hy vọng có đột phá chính thức nào trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Obama, nhưng dư luận đang đặc biệt quan tâm theo dõi xem ông chủ Nhà Trắng sẽ phản ứng thế nào về các vấn đề lớn, đặc biệt là an ninh mạng và Biển Đông.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Bùi Tín - Quân đội nhân dân và Công an nhân dân lại lên tiếng: "Không được dùng chúng tôi sai chức năng !"


Trên mạng thông tin Dân Làm Báo đúng ngày 2/9/2015 đã đăng lại Kiến Nghị của 20 sỹ quan cấp cao trong Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND), yêu cầu lãnh đạo đảng và chính phủ không được dùng QĐND và CAND vào những vụ việc sai trái với chức năng quy định trong Hiến pháp và Pháp luật là: Bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm và bảo vệ cuộc sống an bình của toàn dân.

Kiến Nghị này được công bố đúng một năm trước, vào ngày Quốc khánh 2/9/2014, gửi Chủ tịch Nước có chức trách thống lĩnh các lực lượng võ trang nhân dân (LLVTND), và Thủ tướng có trọng trách nắm hai bộ Quốc Phòng và Công An. Vì chưa được hồi âm nên bản Kiến Nghị được gửi tiếp nhân ngày Quốc Khánh năm nay, nhằm nhấn mạnh yêu cầu khẩn thiết đó nhân Đại Hội các cấp đi đến Đại Hội toàn quốc XII.

20 sỹ quan cao cấp tiêu biểu này gồm có: Trung Tướng Lê Hữu Đức từng là Cục trưởng Cục tác chiến QĐND, các Thiếu tướng Trần Minh Đức, Huỳnh Đắc Hương, Lê Duy Mật, Bùi Văn Quý, Nguyễn Trọng Vĩnh và hơn 10 Đại Tá QĐND và CAND - do tôi từng quen biết - đều là các sỹ quan có nhiều cống hiến trong chiến đấu và uy tín ngoài xã hội. Đó là bộ phận tinh anh, dũng cảm, sáng suốt nhất, xứng đáng là đại diện cho đại đa số sỹ quan các cấp ở mọi đơn vị, xứng đáng là tiếng nói trung thực của toàn quân.

Nội dung Kiến Nghị rất cần được phổ biến rộng rãi, tóm tắt là:

1/ LLVTND luôn vì dân, không được huy động vào việc gì có hại, phải dựa vào dân, không được đánh mất tín nhiệm với nhân dân. Chấm dứt ngay việc dùng QĐND vào những sự vụ mang tính đối kháng, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hoà; tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công An vào việc đàn áp những người dân vô tội chỉ yêu cầu giải quyết các quyền lợi hợp pháp của mình.

2/ Đảng và Nhà nước phải quan tâm thỏa đáng những hy sinh cống hiến của mọi chiến sỹ, gia đình được chăm sóc chu đáo. Cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và các trận bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh, còn ảnh hưởng đến quyết tâm chiến đấu của LLVTND. Đó là sai lầm không được phép tái phạm. Phải khôi phục danh dự và quyền lợi của các liệt sỹ, thương binh, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sỹ dọc biên giới đã bị bỏ bê hơn 20 năm.

3/ LLVTND cần được xác định rõ ràng chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn, coi bạn là thù. Đối thủ tác chiến là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong hiện tại và tương lai, không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ.

- Đối tượng khống chế của Công An phải là những kẻ tội phạm, các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, không thể là những người dân vô tội.

- Không được vì quan điểm bảo thủ giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc văn minh.

4/ Là người chủ và bảo vệ đất nước, nhân dân và LLVTND phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của chúng ta.

Nhà Nước phải báo cáo rõ ràng về thực trạng quan hệ Việt - Trung và những ký kết bí mật liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo. Có tin của Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời báo ( Trung Quốc) công bố nội dung mật thỏa thuận 2 bên: "Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, như Trung Quốc dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Trung Quốc chấp nhận cho 30 năm ( đến năm 2020 ) để Đảng CS VN giải quyết các bước cần thiết cho việc gia nhập gia đình các dân tộc Trung Quốc". Tuy chúng tôi không tin chuyện này nhưng lãnh đạo cần công khai lên tiếng cho toàn quân, toàn dân và thế giới rõ.

Yêu cầu Chủ tịch Nước, Thủ tướng và lãnh đạo của đảng Cộng Sản trả lời rõ ràng minh bạch các vấn đề trên cho toàn thể nhân dân và các Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Không thể giữ im lặng mãi, khi lãnh đạo hứa mọi việc của Nhà Nước đều công khai minh bạch, mọi việc dân biết, dân làm, dân kiểm tra.

Phía dưới là chữ ký của 20 sỹ quan cao cấp trong QĐND và CAND, với yêu cầu mọi phương tiện truyền thông báo chí phổ biến rộng rãi trong xã hội, một yêu cầu cấp bách khi Bộ Chính Trị không trả lời, coi thường ý nguyện của toan quân và toàn thể xã hội.

Xin nói thêm rằng một số sỹ quan cao cấp trên đây mong các mạng và các bạn trong QĐND và CAND phổ biến rộng rãi Kiến Nghị này nhân dịp Đại Hội Đảng XII sắp đến, cho đến khi có trả lời từ những người có trách nhiệm.

Toàn văn bản Kiến Nghị còn lưu trên mạng Google theo đường dẫn:

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140906-viet-nam-cuu-si-quan-kien-nghi-chinh-quyen-minh-bach-quan-he-voi-trung-quoc

Và trên một số mạng như Dân Luận, Dân Làm Báo...

Bùi Tín

(Dân Luận)

Hội Sử-học Việt-Nam tố cáo Tập Cận Bình là tội phạm chiến tranh và nhân quyền.

Tập Cận Bình, Chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Cộng (ĐCSTQ) đã đến Hoa Kỳ trong chuyến công du năm nay kể từ ngày nhậm chức đến nay.

Theo báo chí tường trình, trước khi thăm Nhà Trắng, Ông Tập Cận Bình đã tới thăm Trường trung học Lincoln ở Tacoma vào chiều thứ Tư (24.9). Trong dịp này, ông Tập đã tặng những cuốn sách giáo khoa giới thiệu về Trung Quốc cũng như bàn và bóng để chơi bóng bàn. Cử chỉ này của nhà lãnh đạo TC có vẻ muốn tạo không khí thân thiện tại một nước dân chủ tự do như Hoa Kỳ, mà Ông biết rõ không bao giờ có ở nước Ông, chừng nào ĐCSTQ chưa bị gíải thể.

Sau đây là bài tường thuật của Hội Sử-học Việt-Nam, một tổ chức đoàn kết Quốc gia ở hải ngoại, liệt kê những tội ác của Tập Cận Bình.


Hội sử-học Việt-Nam tố cáo Tập Cận Bình là tội phạm chiến tranh và nhân quyền.

Thưa quý vị,

Ngày 22 tháng 9 năm 2015, ông Tập Cận Bình, chủ tịch đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Tàu sẽ đến Hoa Kỳ trong chuyến công du chính thức kể từ ngày nhậm chức đến nay.

Ngày 25-09-2015 Ông được tiếp kiến tại Tòa bạch ốc với tư cách thường, không phải với tư cách quốc khách. Trong ngày này kể từ 9 giờ sáng, cộng đồng Việt-Nam vùng Washington D.C Maryland & Virginia có tổ chức biểu tình chống đối, lên án Tập Cận Bình cướp biển, cướp đất Việt-Nam cũng như tố cáo đảng Cộng sản Việt-Nam đồng lõa với cộng sản Tàu gây tội ác.

Trước đây, ngày 08-04-2015, Hội Sử-học Việt-Nam đã gởi đơn đến Tòa án hình sự quốc tế ở La Haye tố cáo đảng cộng sản Tàu do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch vi phạm 25 tội ác chiến tranh, diệt chủng chống lại dân tộc Việt-Nam, giáo phái Pháp Luân Công, Tây Tạng cũng như cưỡng chiếm các hòn đảo của nước Phi Luật Tân.

Ngoài 25 tội ác đã phạm, chúng tôi bổ túc năm tội ác mới, đó là Trung cộng đang xây thêm căn cứ quân sự trên quần đảo Trường sa, tàn phá các rạn san hô nằm bên dưới quần đảo Trường Sa.

Các hoạt động cải tạo đảo của Trung cộng trên Biển Đông đang tàn phá các rạn san hô. REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Các hoạt động cải tạo đảo của Trung cộng trên Biển Đông đang tàn phá các rạn san hô. REUTERS/CSIS’s Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy là các đảo nhân tạo do Trung cộng xây dựng ở Biển Đông đang tàn phá các rạn san hô với tốc độ đáng báo động, mà đây lại là những rạn san hô mang tính đa dạng sinh thái nhiều nhất trên thế giới. Bốn đảo được vệ tinh chụp ảnh là Đá Chữ Thập ( Jiery Cross Reef ), Đá Subi ( Subi Reef ), Đá Vành Khăn ( Mischief Reef ) và đá Gạc Ma (Johnson’s Reef ), mà Trung cộng đang ráo riết bồi đắp và quân sự hóa…Giáo sư Terry Hughes, một chuyên gia về san hô, báo động là hơn 20 đảo đá ở vùng Trường Sa có dấu hiệu tổn hại sinh thái nghiêm trọng. Tình trạng này, theo ông, sẽ gây tác hại cho ngành ngư nghiệp ở khu vực các đảo đó, cũng như trên toàn bộ Biển Đông nói chung. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, Biển Đông chiếm 10% trữ lượng cá của toàn cầu. Các rạn san hô là nơi trú ẩn của các loại cá có giá trị kinh tế cao trong chu kỳ sinh sản của chúng và như vậy là có vai trò quan trọng trong việc duy trì trữ lượng cá.- ngưng trích- RFI Đảo nhân tạo Trung cộng tàn phá san hô (http://vi.rfi.fr/chau-a/20150917-bd-tq-xd).

Trong chương trình phỏng vấn Amanpour của đài CNN vào trung tuần tháng 9 năm 2015, bà Fatou Bensouda nhận định việc IS phá hủy các công trình khảo cổ quan trọng ở Syria, Iraq, phải xem đó là tội ác chống nhân loại.

Ông Tập Cận Bình nắm giữ cùng lúc cả ba chức vụ, chủ tịch đảng cộng sản, chủ tịch nước Tàu cũng như quân ủy trung ương, do đó phải là người đã ra lịnh tàn phá các rạn san hô nằm bên dưới quần đảo Trường Sa nhằm mục đích bành trướng quân sự, gây họa chiến tranh đối với lân bang và nhân loại, cũng như 10% trữ lượng cá trong vùng biển Đông Nam Á (Southeast Asean Seas) bị nguy cơ tiêu diệt.

Tội ác đó là chủ mưu chiến tranh, diệt chủng nhân loại, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải quốc tế. Và đây là tội ác thứ 26.

Tội ác chủ mưu chiến tranh, diệt chủng nhân loại, dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải quốc tế, áp đặt bất hợp pháp đường lưỡi bò 9 đoạn trên vùng biển Đông Nam Á, vốn là tài sản chung của nhân loại cũng như các nước trong vùng như Việt-Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương, Brunei. Đây là tội ác thứ 27;

Tội ác tiến hành chiến tranh điện toán xâm nhập các hệ thống thông tin điện tử của Hoa Kỳ. Đặc biệt là giặc điện toán Trung cộng nhiều lần xâm nhập đánh cắp thông tin liên quan đến quốc phòng, kinh tế. Gần đây nhất họ xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân của gần 4 triệu viên chức Hoa Kỳ quản trị bởi Phòng Quản lý Nhân viên (OPM) ở Hoa Thịnh Đốn. Những vụ đánh cắp này xảy ra trong thượng và trung tuần tháng 06-2015.

Ông Nicholas Thomas, chuyên gia Á Châu của Đại học Thành thị Hồng Kông, nhận định như sau.

“Sự thật đơn giản là Trung cộng mỗi ngày một hung hăng hơn trong các chiến lược mạng. Nhưng có một điểm hết sức quan trọng là những gì mà Trung cộng đánh cắp được họ sẽ chuyển cho các công ty Trung cộng, mang lại cho những công ty đó một ưu thế không công bằng trên thị trường và quyền tiếp cận không công bằng đối với những người làm chủ tài sản trí thức.” -ngưng trích- VOA: Vấn đề tin tặc bao trùm hội nghị Mỹ-Trung về công nghệ cao. http://www.voatiengviet.com/content/van-de-tin-tac-bao-trum-hoi-nghi-my-trung-ve-cong-nghe-cao/2966144.html.

“Các cơ quan của quân đội, nhà nước, các doanh nghiệp và học viện của Trung cộng có mối liên kết gắn bó với nhau hơn mấy chục năm qua và được tổ chức chỉ xoay quanh một mục tiêu chung: đánh cắp bí mật của phương Tây. Chế độ cộng sản Trung cộng này thực hiện hành vi trộm cắp mà không hề lo sợ bị trừng phạt, nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự công nghệ cao của nó, trong khi đánh cắp của riêng Hoa Kỳ các thứ có giá trị tương đương hàng nghìn tỷ USD mỗi năm” -ngưng trích- Vietdaikynguyen.

Tác giả: LT.Ton, Việt Đại Kỷ Nguyên, Tin Tức Cộng Đồng | Dịch giả: Hannah

(Việt Đại Kỷ Nguyên)

Chú thích:
Bài tường trình của Hội Sử-học Việt-Nam không nhất thiết phản ánh quan điểm chủ trương của Đại Kỷ Nguyên.

Trương Duy Nhất - Tự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng

image

Không cần đảng viên, hễ đại biểu quốc hội là có quyền ứng cử Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng.

Tại phiên họp chiều qua 24/9/2015 của Uỷ ban thường vụ quốc hội bàn về qui trình bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao có những điểm đáng chú ý sau:

– Ngoài danh sách do Uỷ ban thường vụ QH đề nghị, cá nhân mỗi đại biểu QH có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước.

– Trình tự bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao: Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao. Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, cá nhân mỗi đại biểu QH có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh trên.

Như vậy, các chức danh từ Chủ tịch đến Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao đã mở cửa cho phép tự ứng cử, chứ không chỉ đóng khung trong danh sách giới thiệu của Uỷ ban thường vụ QH hay Bộ Chính trị. Người tự ứng cử không nhất thiết phải là đảng viên hoặc trung ương uỷ viên hay Uỷ viên Bộ Chính trị, chỉ có một điều kiện bắt buộc: là đại biểu QH.

Đó là tự ứng cử. Còn nếu giới thiệu thì đại biểu QH có quyền giới thiệu bất cứ một ứng viên nào kể cả họ không phải là đại biểu QH.

Không thấy bàn sửa về qui trình bầu Bộ trưởng và các chức danh tương đương khác. Trước đây, người đầu tiên tự ứng cử vào chức danh Bộ trưởng Văn Thể Du là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Tuy nhiên khi đó đơn tự ứng của ông đã không được chấp thuận bởi lý do “chưa có qui định cho phép tự ứng cử chức Bộ trưởng”.

Nay, với qui định như dự thảo được Uỷ ban thường vụ QH nói đến trong phiên họp chiều qua 24/9 thì các đại biểu QH đã có quyền tự ứng cử.

Tất nhiên, tôi không ngây ngô đến mức không biết đến cái gọi là “nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của đảng”. Nhưng đảng không được trên quốc hội. Đấy là hiến định. Giờ đây, qui chế bầu của QH cũng rõ ràng không buộc các ứng viên phải đảng điếc chi hết. Chỉ cần là đại biểu (đại biểu giờ không ít người ngoài đảng) là có quyền tự ứng cử làm Chủ tịch, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao.

Ai, đại biểu nào dũng cảm xung phong đột phá trong cuộc thử nghiệm thú vị này? Biết đâu lại có được một vị Chủ tịch ngoài đảng như cụ Huỳnh Thúc Kháng thời “dân chủ cộng hoà”. Hoặc một đảng viên khác, thậm chí một nhân vật ngoài đảng thay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hoặc một luật sư, một tiến sĩ luật hay một vị đại biểu QH ngoài đảng nào đó ngồi ghế Chánh toà tối cao, Viện trưởng VKS tối cao?

Làm chính trị là biết tạo thời cơ. Có những cuộc thử biết thua vẫn phải thử. Không thành không thắng, nhưng sẽ tạo nên một tiền lệ tốt cho tiến trình dân chủ. Nó nhắc nhở cảnh báo đảng rằng đấy là việc của QH, không phải của Bộ Chính trị. Rằng đảng là việc của đảng, không được quyền thò nhúng vào việc của QH. Là đại biểu QH, anh phải nhận thức cái quyền của mình được như vậy. Các đại biểu ngoài đảng càng phải ý thức điều này rõ hơn. Ý thức được và đòi cho được cái quyền của mình. Đừng cúi đầu tự bịt mồm che mắt để các thế hệ cháu con X cứ thế độc quyền biên diễn.

Đã có đại biểu QH dám đứng lên chỉ tay yêu cầu Thủ tướng từ chức. Nhưng sao chưa có đại biểu nào dám đứng lên ứng tranh?

Qui chế trong đảng sao tôi không biết. Mà có thì cũng là để áp cho việc bầu Tổng Bí thư hay những chức chi chi đó trong đảng. Còn qui chế bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh toà tối cao,

Viện trưởng VKS tối cao như vậy rõ ràng không cần đảng, không nói chi đến đảng.

Vậy hà cớ gì cứ để đảng độc diễn?

Liệu có ai, hay rồi lại vẫn những cuộc bầu bán với duy nhất một ứng viên chọn một? Chẳng lẽ trong số trên dưới 500 đại biểu QH một nhiệm kỳ, không ai đủ tự tin?

Trương Duy Nhất

(Một Góc Nhìn Khác Blog)

Nạn 'con ông cháu cha', họa 'đồng hương đồng khói'

Nạn 'con ông cháu cha', họa 'đồng hương đồng khói' - ảnh 1
Hình minh họa
Xưa, “một người làm quan cả nhà được nhờ”. Nay, nếu có một người làm quan to thì cả họ, cả làng, cả tỉnh đều được cậy và nhiều người còn được làm quan vừa, quan bé.

Báo chí và dư luận đang xôn xao vụ cả họ làm quan ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam và chỉ ồn ào khi báo chí đưa tin. 

Các công ty gia đình thì không nói, vì chủ nhân có quyền quyết định nhân sự. Chẳng chủ doanh nghiệp nào dám liều mạng giao phó cơ ngơi cho con cái nếu chúng không có thực tài, bởi làm vậy trước sau cũng sạt nghiệp và phá sản. Các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan đoàn thể thì khác vì được bao cấp, hoặc đã có người chống lưng (ngôn ngữ dân gian gọi là bảo kê) hoặc nếu có sao thì cứ việc đổ tội cho tập thể và rút kinh nghiệm sâu sắc là... xong.
 
Tôi đã gặp những doanh nghiệp nhà nước chỉ toàn người cùng tỉnh. Người ngoại tỉnh là hàng hiếm, chỉ chiếm vài phần trăm. Thậm chí có những ngành mà tính vùng miền vẫn đậm đặc. Chẳng hạn, ngành hàng không thì dân Nam bộ là thiểu số, ngành ngoại giao càng hiếm. Không biết tự bao giờ sinh ra cái lệ cứ một người trong cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh cho một người thân vào làm mà không cần sát hạch hoặc chỉ tuyển dụng sơ sài, chiếu cố. Chỉ cần mươi năm “sinh sản vô tính” như vậy, cả doanh nghiệp hay cơ quan sẽ trở thành cộng đồng hàng họ và láng giềng.
Chẳng chủ doanh nghiệp nào dám liều mạng giao phó cơ ngơi cho con cái nếu chúng không có thực tài, bởi làm vậy trước sau cũng sạt nghiệp và phá sản. Các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan đoàn thể thì khác vì được bao cấp, hoặc đã có người chống lưng (ngôn ngữ dân gian gọi là bảo kê) hoặc nếu có sao thì cứ việc đổ tội cho tập thể và rút kinh nghiệm sâu sắc là... xong.
Trên thế giới, không ở đâu mà tính cục bộ lại công khai và mặc định như ở Việt Nam. Có khi địa phương này tẩy chay địa phương khác, bằng mặt chứ không bằng lòng, ngồi chung bàn mà tư duy đối nghịch. Tôi vốn gốc Nghệ An, có người chị họ yêu chàng trai Thanh Hóa. Gia đình người yêu quyết liệt phản đối, cấm cản vì “xấu Thanh hơn lành Nghệ”. Không chịu nổi áp lực, cả hai đành ngậm ngùi chia tay. 

Chưa ai thống kê nổi, có bao nhiêu nghịch cảnh tương tự. Bao nhiêu nhân tài bị trù dập và loại bỏ vì nạn “con ông cháu cha”, vì họa “đồng hương, đồng khói?”.

Phải chăng, đây mới chính là căn nguyên của bệnh “mạnh ai nấy làm”, thiếu hợp tác, thậm chí “quân ta hại quân mình” làm cho đất nước ngày càng tụt hậu? Con ông cháu cha và đồng hương đồng khói không có tội, thậm chí càng khuyến khích nếu biết làm đẹp truyền thống gia đình và chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau trong cuộc sống. Càng thân quen càng phải gương mẫu. Tội nặng vì những kẻ lợi dụng để “thêm bè kết cánh”, củng cố quyền lực và tham nhũng nhóm.

Ngoài chuyện riêng chung nhập nhằng trong hành xử và công việc, nạn “con ông cháu cha”, “đồng hương đồng khói” thì người Việt, đặc biệt là các vị lãnh đạo, còn mắc bệnh tình nghĩa trong bố trí nhân sự. Chính sách cộng điểm ưu tiên là biến tướng của căn bệnh này. Mới đây, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Bửu thừa nhận việc du di cho một vị lãnh đạo của VFF hiện nay đi học Liên Xô trước kia là vì tình nghĩa với ông bố, đồng nghiệp của ông. Có lẽ ông cũng ít nhiều hối hận vì quyết định ấy. Suất du học đó, đáng lẽ thuộc về một người khác, xứng đáng hơn. Nhưng vì cả nể, vì tình nghĩa đã cướp mất cơ hội của họ, bắt họ rẽ qua một hướng khác, đầy bất trắc. Ở Việt Nam, những trường hợp như vậy, phải tính bằng 6 con số. Một khi lẽ công bằng bị méo mó, thì xã hội đảo điên là đương nhiên, bởi “nhân nào thì quả đó”.

Cùng chung hệ tư tưởng, dù chỉ là danh nghĩa nhưng Trung Quốc đã có nhưng thành tựu đáng kinh ngạc về khoa học, công nghệ, kinh tế lẫn quân sự. Đơn giản, họ dám đoạn tuyệt với chủ nghĩa lý lịch vì “mèo trắng, mèo đen không quan trọng; miễn là bắt được chuột”; dám quyết liệt chống chủ nghĩa giáo điều “Chân lý phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn” (Đặng Tiểu Bình). Tôi rất căm ghét Đặng Tiểu Bình vì đã xua quân xâm lược Việt Nam vào tháng 2.1979, nhưng phải thừa nhận ông là nhà cải cách triệt để.

Chừng nào chưa thoát được tư duy “Một người làm quan cả họ được nhờ”, chưa dám tuyên chiến với nạn “con ông cháu cha’, “đồng hương đồng khói” và bệnh cả nể tình nghĩa thì Việt Nam cứ mãi mãi nghèo và xứng đáng nghèo.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM.

(Thanh niên)

" Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An " ?

Từ chỗ tự hào “thanh lịch như người Tràng An”, nay Hà Nội đang dự tính ban hành quy chế chống nói tục, chửi thề trong cơ quan nhà nước và không gian công cộng , vì đâu nên nỗi?

Trong bài : Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội (10.6.2015), Báo Petro Times viết: “Tưởng chừng chỉ có những người ít học, chợ búa mới văng tục, chửi bậy. Nhưng hiện nay, “văn hóa chửi” ăn sâu cả vào giới tri thức, người nổi tiếng”.

Blogger Hiệu Minh, một người Hà Nội, nhận xét: “Mấy tháng qua, có dịp đi qua nhiều vùng miền từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, tôi có thể kết luận, người Hà Nội hay nói đúng hơn những người đang ở, đi lại trên đường, ăn uống sinh hoạt (ở Hà Nội), nói tục nhất cả nước”.

Chú đến chơi nhà

Tại sao giọng nói thanh lịch của Hà Nội xưa đã biến mất?

Phải chăng bọn đệ tử của Mao cho rằng những giọng nói Hà Nội thanh tao là của bọn tiểu tư sản phải đánh đổ, nhường chỗ cho "giai cấp vô sản" và từ đó cái vô văn hóa, cái thô kệch lên ngôi?

Giọng Bắc từ đường phố Hà Nội lên đến kênh truyền hình ngày nay như những tiếng chim, không phải chim khuyên mà là chim ...không ra chim gì!

Khi nói "Chú đến chơi nhà" thì chúng ta lại được nghe "chụ..chủ đện…đển chơi nhà". Dấu nặng không ra nặng, dấu hỏi không ra hỏi, nghe rất là…thô kệch! Còn dấu sắc thì biến mất.

Tại sao cái thanh lịch, thanh tao phải lùi bước trước cái thô kệch, quê mùa?

Trả lời được câu hỏi này thì sẽ trả lời được câu hỏi vì sao trong toàn xã hội hiện nay cái thiện đã nhường chỗ cho cái ác.
                                                                        Thì Vưỡn
                                                                     (Trương Tuần)

 “Văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng là hiện tượng đáng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác” - Petro Times nhận định về nguyên nhân của nạn “mất dạy”. Với PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển thì nguyên nhân là do xã hội có mặt nào đó giả dối nên có thể thấy, việc giới trẻ nói tục tĩu, chửi bậy là để phản ứng lại cái giả dối của xã hội.

 Blogger Hiệu Minh dẫn ra nhiều nguyên nhân hơn nữa: “Văng tục có nhiều lý do, bức xúc, bị đánh oan, bị ức hiếp, bị làm tiền vô lối. Xã hội có nhiều bất cập sẽ văng tục nhiều hơn. Chiến tranh kết thúc, người may mắn trở về, có người được chứng nhận thương binh, có người bị thương hẳn hoi nhưng giấy chứng thương thất lạc, muốn được trợ cấp, phải làm đơn kính chuyển. Vì ngập trong đơn từ kêu cứu, người thấp cổ bé họng từng hy sinh vì đất nước sẽ “Đan Mạch” thôi.

Bạn có một mảnh ruộng nhỏ, là nguồn mưu sinh của gia đình, bỗng dưng một ngày bạn nhận được cái giấy báo mảnh ruộng ấy thuộc đất dự án ABC, khi chưa có quyết định thu hồi, chưa có thỏa thuận đền bù hoặc trả cho bạn một mét vuông đất với giá một tô phở, liệu trong trường hợp đó cao bồi Mỹ có rút súng và fuck hay không?

Bạn vác đơn đi kiện, các cơ quan ban ngành làm lơ bạn, bảo bạn quay về địa phương, nơi mà họ lợi dụng chính sách đất đai là sở hữu toàn dân để cướp đất của bạn. Bạn không được kẻ cướp đất giải quyết, lẽ dĩ nhiên, bạn lại vác đơn đi kiện với sự kiên nhẫn vô bờ, bạn bị kết tội khiếu kiện vượt cấp. “ĐM” không?

Hằng ngày đi đường, bạn có thể thương tật nằm một chỗ hoặc chết bất đắc kỳ tử bởi xe buýt hung thần, taxi hung thần, ô tô hung thần, xe máy hung thần... Hoặc giả nếu bạn không chết vì bị đâm xe thì bạn sẽ chết vì bị dao đâm sau khi nó đâm xe bạn hoặc tài xế sẽ cán đi cán lại bạn cho kỳ chết bởi pháp luật quy định đền mạng người rẻ hơn nuôi thương tật. Nếu rơi vào một trong các trường hợp trên, có “Đan Mạch” không?

Biết bao thủ tục hành là chính làm người dân chẳng biết đâu mà lần. Rơi vào trường hợp đó bạn có muốn “Đan Mạch” không?

Những chỗ trồng cây mới được vài tháng, bỗng một hôm gió lốc đi qua, lật gốc cây vẫn còn bao bố bọc rễ cây. Nhìn cảnh đó liệu người yêu thiên nhiên có “Đan Mạch” hay không?..

 Còn người viết bài này có lần ra thăm Hà Nội, đi cùng anh bạn là dân thổ địa lái xe ra ngoại thành nhưng vì không rành đường nên hỏi thăm một cậu thanh niên. “Tiền đây!” (Đưa tiền đây) là câu trả lời. Ở Sài Gòn, chưa bao giờ hỏi đường mà gặp cảnh đó nên tôi ngạc nhiên quá đỗi trong khi anh bạn của tôi chẳng tỏ vẻ gì ngạc nhiên.

Lần khác ra thăm Hà Nội vào mùa thu. Trời đẹp, mát mẻ, chỉ muốn đi bộ loanh quanh trong phố cổ để ngắm phố phường. Nhỏ nhẹ hỏi đường một bà. Câu trả lời nhận được là: “Sao không đi xích lô? Đồ bủn xỉn”. Ngỡ ngàng.

Cả hai lần hỏi đường đều nhận được câu trả lời trực tiếp hoặc gián tiếp dính tới chữ tiền.
Những “dáng kiều thơm” và bao nhiêu thứ đẹp đẽ từ trong sách vở Tự Lực văn đoàn mà một thời những người không biết Hà Nội mơ về, bỗng chốc biến đâu hết.

Lại nhớ và thương Hà Nội của Nỗi lòng người đi của Anh Bằng, của Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Hà Nội đó còn không?

Tôi cũng đã nghe người Hà Nội chửi tục vào cái lần đầu tiên gặp Hà Nội đâu khoảng đầu những năm 1980 và rất sốc. Nhưng càng về sau càng bớt thấy sốc. Nhưng cái chữ “tiền” kia mới ghê. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nhận xét: “Chỉ từ những năm kinh tế khá lên... thì nói tục, chửi bậy cũng nhiều hơn. Nền văn minh lúa nước ở đồng bằng sông Hồng đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm cũng bị phá vỡ”.

 “Tiền đây!” với một người khách từ nơi khác đến hỏi thăm đường, đó không còn là chuyện thanh lịch hay văn hóa, mà có lẽ nằm ở tầng sâu hơn. Phải chăng là sự tử tế đã bị đánh mất? Chợt nhớ lời cảnh báo của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây đúng 30 năm qua phim Chuyện tử tế, một cảnh báo chẳng những không được lắng nghe lúc ấy mà còn bị cấm đoán suốt hai năm sau khi phim hoàn thành.

 Với Hà Nội, sự đứt gãy xã hội, đứt gãy văn hóa do những xáo động lịch sử để lại, thật sâu sắc. Nhưng sự đứt gãy do lịch sử để lại ấy là không thể đảo ngược. Đi tìm cách khắc phục nạn nói tục, chửi thề mà đổ mọi nguyên nhân cho người ngoại tỉnh, người “nhập cư” (sao lại là “nhập cư” trên chính quê hương mình?) là bế tắc, coi như không có giải pháp. Bởi chẳng lẽ để tìm lại sự tử tế phải trục xuất hết người ngoại tỉnh (mà làm sao trục xuất được?), hay gọi người Hà Nội cũ trở lại?

Vả chăng, có thủ đô (metropolis) nào trên thế giới không thu hút người từ khắp nơi đến mưu sinh do những cơ hội mà đô thị lớn mang lại? Và những thành phố lớn khác như Sài Gòn, như Đà Nẵng cũng thu hút người tứ phương đến làm ăn, sinh sống nhưng hồn cốt đô thị đã hình thành, dù có thể suy giảm, đâu có biến mất ?

 Mỗi đô thị có hồn cốt của nó, hay gọi là linh hồn cũng được. Linh hồn của nó, hồn cốt của nó (chẳng hạn sự tử tế hay lối sống phóng khoáng của cư dân) được làm nên bởi đất, nước, bởi sinh cảnh, con người và lịch sử của chính nó. Vậy để đô thị tìm (hay tìm lại) được hồn cốt hay linh hồn của mình, cư dân của nó (bất luận cũ, mới vì cũ, mới gì cũng phải chung sống thôi) cần thực hiện một soul-searching - một tự vấn sâu xa.

Đừng dừng lại ở vẻ ngoài, ở cái gọi là văn hóa ứng xử hay sự thanh lịch khi cái nền tảng bên trong đã mất hoặc suy giảm nhiều. Đô thị, và cư dân của nó, phải tìm kiếm linh hồn của mình (soul-searching, dịch từng chữ, cũng có nghĩa là tìm kiếm linh hồn), nếu có mà đánh mất thì phải tìm lại hoặc xây dựng mới, nhưng chắc chắn phải khởi đi từ một tự vấn sâu xa.

 Khi người ta biết sống tử tế với người khác, người ta sẽ không hoặc ít chửi tục hơn. Ngược lại, không phải cứ có học, có “văn hóa” là biết sống tử tế, đạo đức. Cái gốc của chửi thề không phải ở chỗ chửi thề. Tấn công vào đó là tấn công vào cái ngọn. Bên cạnh việc xóa bỏ những nguyên nhân gây bức xúc xã hội dẫn đến nạn chửi thề, nói tục thì tìm lại, xây dựng sự tử tế giữa người với người mới là cái gốc để chống lại nạn nói tục, chửi thề.

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...” (Trích lời bình phim Chuyện tử tế).

NT (st )

(Dân Quyền)

Việt Nam sẽ mạnh mẽ lên tiếng về biển Đông tại LHQ?

Ông Trương Tấn Sang trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 10/11/2014. Cả hai nhà lãnh đạo Việt Nam cùng tới Mỹ để dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc.
Ông Trương Tấn Sang trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 10/11/2014. Cả hai nhà lãnh đạo Việt Nam cùng tới Mỹ để dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc.

NEW YORK— Chủ tịch Trương Tấn Sang đang có mặt ở New York để dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc, trong khi có các ý kiến cho rằng nguyên thủ Việt Nam nên tận dụng dịp đánh dấu 70 năm thành lập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này để nêu lên vấn đề biển Đông cũng như vận động sự ủng hộ của các nước.

Ông Sang sẽ lưu lại ở thành phố của Mỹ từ ngày 24 tới 28/9, và sẽ tham gia cũng như phát biểu tại nhiều sự kiện cấp cao.

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, cựu quan chức Liên Hiệp Quốc, cho rằng kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc “là diễn đàn lớn nhất để Việt Nam lên tiếng mạnh về biển Đông”.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng Việt Nam cũng cần phải có sáng kiến cụ thể, nếu muốn được lắng nghe.

Chuyên gia gốc Việt này nói: "Thay vì nói rằng tôi phản đối Trung Quốc, phản đối thế này, phản đối thế kia, thì bây giờ sáng kiến là đưa ra một cái mà mọi người có thể hợp tác được. Mà như thế đã rất là khác Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi hỏi tất cả các cái đó thuộc về mình".

Việt Nam phải đứng ra vận động cho quan điểm hòa bình đó. Tôi nghĩ rằng nếu mà có quan điểm đó thật sự thì sẽ có nhiều nước ủng hộ, đặc biệt là các nước Tây phương.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói.

Ông Việt nói thêm: "Còn mình đặt vấn đề là cái này có thể chia sẻ để cùng giải quyết, đưa đến hòa bình. Đương nhiên hai ý kiến phản nghịch nhau rồi. Việt Nam phải đứng ra vận động cho quan điểm hòa bình đó. Tôi nghĩ rằng nếu mà có quan điểm đó thật sự thì sẽ có nhiều nước ủng hộ, đặc biệt là các nước Tây phương”.

Ông Việt cho rằng chính quyền Hà Nội cũng nên thực hiện theo cách mà Liên Hiệp Quốc thường làm, đó là cùng thảo luận với một số nước để sau khi Việt Nam phát biểu thì các quốc gia ủng hộ quan điểm “sẽ lặp lại hoặc bày tỏ sự hậu thuẫn”.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Sang hôm 24/9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đề cập tới vấn đề biển Đông.

Tránh gây đụng độ

Thông cáo phát cho báo chí dẫn lời ông Ban “nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các bên cần phải “tăng cường sự minh bạch cũng như có các hành động dễ đoán định nhằm tránh vô ý gây ra các cuộc đụng độ”.

Trong khi đó, tiến sỹ Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, cũng cho rằng cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 này là “một cơ hội lớn cho Việt Nam”.

Khi mà mình nói tới biển Đông, nó có hai vấn đề ở đây. Đó là tranh chấp đảo và an ninh trên biển Đông. Nếu mà chỉ nói tranh chấp đảo như Việt Nam đã đề cập trong rất nhiều năm rằng Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì người ta sẽ nói đây là sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, dại gì mà họ đứng ra vì cũng có thể bị Trung Quốc trả thù.
Tiến sỹ Ngô Vĩnh Long nói.

Nhà nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á này cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải nói rõ vấn đề biển Đông “vì nó không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn toàn thế giới”.

Ông Long nói: "Khi mà mình nói tới biển Đông, nó có hai vấn đề ở đây. Đó là tranh chấp đảo và an ninh trên biển Đông. Nếu mà chỉ nói tranh chấp đảo như Việt Nam đã đề cập trong rất nhiều năm rằng Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì người ta sẽ nói đây là sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, dại gì mà họ đứng ra vì cũng có thể bị Trung Quốc trả thù".

Ông nói thêm: "Nếu mình nói vấn đề biển Đông là vấn đề của thế giới và Việt Nam phải đứng mũi chịu sào trong vấn đề này thì thế giới không những bênh vực Việt Nam vì Việt Nam mà còn bênh vực Việt Nam vì an ninh của toàn khu vực và toàn thế giới. Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Và Trung Quốc dù muốn, dù không cũng phải nghe thế giới nói gì. Khi Việt Nam vận động và thế giới lên tiếng thì 10, 15 hay 20 chục nước, chứ không cần cả hơn 100 trước, thì cái đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Trung Quốc, không thể tiếp tục bành trướng như hiện nay”.

'Không nhắm tới ai'

Tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay có hơn 150 nguyên thủ các quốc gia, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời tờ The Wall Street Journal bằng văn bản rằng, Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.

Ông Tập Cận Bình nói rằng các hoạt động của Trung Quốc trên một số bãi cạn ở biển Đông
        Ông Tập Cận Bình nói rằng các hoạt động của Trung Quốc trên một số bãi cạn ở biển Đông 

Ông Tập Cận Bình nói rằng các hoạt động của Trung Quốc trên một số bãi cạn ở biển Đông "không nên bị diễn giải quá đáng”.

Ông nói rằng hoạt động mà Trung Quốc “thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác”, và “việc này không nên bị diễn giải quá đáng”.

Chính quyền Hà Nội chưa lên tiếng trước tuyên bố mà nhiều nhà quan sát cho là “thẳng thừng” của nguyên thủ Trung Quốc.

VOA Việt Ngữ đề nghị xin phỏng vấn trưởng phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về một số vấn đề nhưng không được hồi đáp.

Tháng Sáu năm ngoái, khi quan hệ Việt – Trung xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vì giàn khoan dầu gây tranh cãi, Bắc Kinh đã đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc, cho rằng Hà Nội “xâm phạm chủ quyền” của họ và “cản trở một cách phi pháp” hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Trung Quốc.

(VOA)

Việt Nam không thể rạch ròi như Philippines?

MANILA (NV) - Philippines thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc tổ chức hội đàm song phương, nhằm giải quyết những bất đồng giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông.

Ông Benigno Aquino, tổng thống Philippines, cho biết, Philippines đã khẳng định với Trung Quốc rằng, bất kỳ cuộc hội đàm nào nhằm giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại biển Ðông cũng phải có đủ đại diện của những quốc gia có liên quan là: Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Ðài Loan. 

Một phó thủ tướng CSVN (trái) và thủ tướng Trung Quốc (phải) lại vừa “cam kết” với nhau về việc “gia tăng hợp tác giữa hai bên” dù Trung Quốc liên tục khẳng định “Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”! (Hình: chinhphu.vn)

Ông Aquino nói thêm là mong muốn cùng Philippines hợp tác khai thác tài nguyên tại biển Ðông của Trung Quốc là hết sức buồn cười, bởi một mặt, Trung Quốc xác lập chủ quyền gần như trên toàn bộ biển Ðông, mặt khác đề nghị các quốc gia có chủ quyền tại biển Ðông hợp tác khai thác tài nguyên ở phần còn lại. Ðiều đó chẳng khác gì Trung Quốc muốn khẳng định, phần nào chúng tôi đã đòi thì là của chúng tôi, còn những phần thuộc về các ông thì chúng ta nên hợp tác để cùng... khai thác.

Ý tưởng... hợp tác để cùng khai thác biển Ðông của Trung Quốc không mới. Hồi tháng 10 năm 2013, Trung Quốc từng giới thiệu ba “sáng kiến” nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông. Ðó là: Kiểm soát bất đồng, tìm kiếm cơ hội cùng phát triển và gia tăng hợp tác hàng hải. Lúc đó, Trung Quốc nhấn mạnh, chỉ khi nào các quốc gia trong khu vực cùng Trung Quốc áp dụng ba “sáng kiến” này thì mới có thể có một biển Ðông “hòa bình, hữu nghị, hợp tác.”

Tuy nhiên đến nay, trong khu vực chỉ có Việt Nam hưởng ứng. Thậm chí hưởng ứng ngay lập tức. Hồi giữa tháng 10 năm 2013, sau khi kết thúc cuộc hồi đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng Việt Nam, ông Lý Khắc Cường - thủ tướng Trung Quốc, loan báo, hai bên đã đạt được một sự “đột phá” trong việc tăng cường “quan hệ đối tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau” bằng cách thiết lập ba “Nhóm công tác liên hợp trên biển, trên bộ và tài chính” ngay trong năm 2013.

Tuy các chuyên gia cảnh báo, “cùng khai thác biển Ðông” theo kiểu Trung Quốc hoàn toàn không phải là “cùng khai thác” ở những khu vực có sự chồng lấn về chủ quyền theo luật pháp quốc tế mà là “cùng khai thác” trong vùng đặc quyền kinh tế của các lân bang. Nhưng đến giữa tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới của Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn tiếp ông Dịch Tiên Lương - Vụ phó Vụ Biên Giới trên biển của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, để bàn bạc về việc thành lập “Nhóm công tác để thương lượng cùng khai thác trên biển,” theo cam kết của ông Dũng lúc tiếp ông Cường tại Hà Nội hồi giữa tháng 10 năm 2013!

Mới đây, khi đến thăm Trung Quốc trong ba ngày từ 15 đến 17 tháng 9, trong cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Phúc - một phó thủ tướng CSVN, tiếp tục nhấn mạnh, mối quan hệ lành mạnh và ổn định với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cũng vào thời điểm đó, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tái khẳng định với các viên chức ngoại giao của nhiều quốc gia đang thường trú tại Bắc Kinh rằng, quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ của Trung Quốc.” Còn Tân Hoa Xã thì cáo buộc, sở dĩ tình hình biển Ðông trở thành căng thẳng là vì, vào thập niên 1970, Philippines và Việt Nam đã xâm lấn, chiếm đóng nhiều đảo, bãi đá ngầm tại biển Ðông. Trong vấn đề biển Ðông, Trung Quốc chỉ là... nạn nhân.

Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, Việt Nam hiểu một cách tường tận cả về tham vọng của Trung Quốc lẫn những hiểm họa tiềm ẩn từ tham vọng đó. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam tìm mọi cách để xây dựng và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Úc, Philippines,...

Tuy nhiên trong quan hệ với Trung Quốc, “dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ðảng CSVN,” Việt Nam chọn lối ứng xử theo kiểu “đi nhẹ, nói khẽ” và luôn làm như “không nghe, không thấy, không biết”!

Cũng có tranh chấp về chủ quyền tại biển Ðông với Trung Quốc như Việt Nam nhưng Philipipines hành xử khác. Ít nhất là cho đến lúc này, Việt Nam không thể rạch ròi với Trung Quốc như Philippines! (G.Ð)

(Người Việt)