Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Cam kết chưa tăng giá điện có lý do là ‘để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn’.
Nhưng có thực vậy không?
Sự thật là kỳ họp cuối năm 2015 của Quốc hội VN đang sắp diễn ra - dự kiến khai mạc ngày 20/10/2015. Như một quy luật tại kỳ họp quốc hội, chủ đề tăng giá điện, xăng dầu và những áp lực đè đầu dân sinh khác lúc nào cũng nóng bỏng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên giới lãnh đạo cá mập EVN đứng ra cam kết ‘không tăng giá đirện đến cuối năm’, mà hiện tượng này đã từng có tiền lệ từ năm 2011.
Không quá khó hiểu nếu cơ quan chủ quản của EVN là Bộ công thương, với bộ trưởng đại biểu quốc hội Vũ Huy Hoàng - luôn có nhu cầu trấn an giới dân biểu. Cũng như một quy luật, giá điện thường được tăng giữa hai kỳ họp quốc hội, tức vào thời gian mà phản ứng của dư luận xã hội và Quốc hội đối với Bộ công thương và EVN là nhẹ nhất.
Một nguyên nhân trực tiếp khác để EVN phải đưa ra cam kết trên là bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là ủy viên trung ương đảng - người đang mong ngóng sẽ có thể tiến đến đại hội đảng 12 - dự kiến vào đầu năm 2016 - với vị thế ít nhất giữ được ghế bộ trưởng của mình. Do đó, ông Hoàng không dám liều lĩnh để ‘cậu ấm hư hỏng’ của mình tăng giá điện vô tội vạ khiến dư luận giãy nảy. Các đối thủ chính trị của ông dĩ nhiên sẽ lợi dụng tình thế đó để gây bất lợi cho ông.
Cần nhắc lại, sau khi hai thị trường chứng khoán lẫn bất động sản sụp đổ vào đầu năm 2011, đến giữa năm đó EVN đã lộ hình như một quán quân gây lỗ với hơn 40,000 tỷ đồng quẳng vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… từ nhiều năm trước. Doanh nghiệp này cũng trở nên một quán quân đầy nguy hiểm trong nhóm đầu bảng các con nợ VN với số vay ngân hàng lên đến 118.000 tỷ đồng (có thông tin cho biết lên đến 143.000 tỷ đồng).
Bất chấp tình trạng suy thoái cùng kiệt của đất nước, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế. Một chiến dịch theo cách “bù lỗ vào dân” thông qua cơ chế giá điện luôn ‘nâng lên một tầm cao mới’ đã được tập đoàn này cam tâm vận hành từ ít nhất 4 năm qua. EVN còn “tính đủ” với 90 triệu đồng bào mình đến mức hạch toán cả những đầu mục ăn chơi như bể bơi và sân tennis vào giá thành điện.
Trong những năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra hoặc thanh tra nào được làm tới nơi tới chốn. Số lương “nghèo khổ” vài chục triệu đồng theo đầu nhân viên ở tập đoàn đã làm người dân thắc mắc, nhưng Bộ Công thương vẫn làm ngơ. Hành vi càn rỡ đưa bể bơi và sân tennis vào giá thành điện vẫn được Thanh tra chính phủ và những lãnh đạo như bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đồng tình.
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét